Theo kết quả điều tra mới nhất từ cuộc Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản vào tháng 7 năm 2016, toàn tỉnh Bình Dương có hơn 900 trang trại, giảm 322 trang trại so với năm 2011, giảm chủ yếu là trang trại trồng cao su. Tuy số lượng trang trại giảm so với 5 năm trước nhưng chất lượng hoạt động của trang trại tiếp tục được nâng cao khi các trang trại đều hướng vào sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao qui mô hoạt động.
Hiện nay, trang trại nông nghiệp tập trung ở một số huyện có quỹ đất nông nghiệp lớn như: Bàu Bàng 262 trang trại, chiếm 29%, Dầu Tiếng 218 trang trại, chiếm 24%, Phú Giáo 189 trang trại, chiếm 21%, Bắc Tân Uyên 121 trang trại, chiếm 13%....Xét về hoạt động sản xuất, trang trại trồng trọt có 129 trang trại, chủ yếu là trồng cây lâu năm; Trang trại chăn nuôi có 761 trang trại, chiếm gần 80% tổng số trang trại chủ yếu là chăn nuôi heo, gà; còn lại là trang trại nuôi trồng thủy sản. Xét về quy mô sản xuất, số lao động bình quân 1 trang trại là 6 người; Diện tích đất trồng cây lâu năm bình quân 1 trang trại là 31 hecta; Giá trị thu được từ nông nghiệp bình quân 1 trang trại là 5,1 tỷ đồng; Giá trị thu từ thủy sản bình quân 1 trang trại là 5,4 tỷ đồng.
Theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với trồng trọt, quy mô diện tích hơn 3 ha cho doanh thu 700 triệu đồng/năm được đánh giá trang trại. Về chăn nuôi, chủ yếu dựa vào doanh thu hàng năm, hơn 1 tỷ đồng được đánh giá trang trại. Quá trình phát triển trang trại ở Bình Dương những năm gần đây đúng với quy hoạch, định hướng của tỉnh. Nhiều trang trại quy mô lớn là nơi điển hình cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, hình thành vùng nông nghiệp tập trung theo qui hoạch.
Đối với trang trại chăn nuôi, chủ yếu hiện nay là chăn nuôi heo, gà trại lạnh. Việc phát triển trang trại chăn nuôi tập trung theo quy mô lớn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi mà còn góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường.
Trang trại được đầu tư qui mô lớn, nâng cao hiệu quả hoạt động đã mang lại sản lượng hàng hóa lớn. Sản phẩm hàng hóa từ trang trại đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bình Dương.
Ngọc Hảo-Hoàng Hải