Hào hùng truyền thống ngày Thương binh - Liệt sĩ
Vào những ngày tháng Bảy nghĩa tình này, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”,“Đền ơn đáp nghĩa” đã được phát huy ở khắp mọi miền đất nước. Bởi đây là trách nhiệm, tình cảm và là nét đẹp nhân văn truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm là dịp tri ân những anh hùng, liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong các cuộc đấu tranh trường kỳ vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội, Đất nước ta và nhân dân ta, đã phải trải qua biết bao gian khổ, mất mát đau thương. Hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường. Hàng ngàn, hàng vạn đồng chí thương binh, bệnh binh đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi…, tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn của các thương binh, anh hùng liệt sĩ. Với ý nghĩa đó, kể từ năm 1947, ngày 27/7 hằng năm được chọn là ngày Thương binh Toàn Quốc (nay là ngày Thương binh – Liệt sĩ) nhằm ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Cũng từ đó, ngày 27/7 có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hi sinh, cống hiến vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc; qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Cứ đến tháng bảy hàng năm, cả nước lại tràn ngập không khí tri ân những người có công với nước. Ngày càng có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quan tâm đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ, tổ chức những hoạt động về nguồn đầy xúc động... Tri ân những người hy sinh vì nước đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Những việc làm đó còn có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về một thời oanh liệt của đất nước, về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Mỗi thời đại đều sinh ra một thế hệ, mỗi thế hệ đều có trách nhiệm, nghĩa vụ với Tổ quốc. Chính vì thế, thế hệ hôm nay không chỉ chăm lo công việc hiện tại, mà còn suy nghĩ và hành động theo gương những thế hệ đi trước, đồng thời bồi dưỡng cho thế hệ mai sau kế thừa xứng đáng sự nghiệp của cha anh. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất chính là nêu cao những giá trị truyền thống, phát huy mọi nguồn lực trong xây dựng quê hương, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương phát triển về mọi mặt, kinh tế, xã hội thật sự văn minh, mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Đó cũng chính là khát vọng của bao người đã ngã xuống, là mục tiêu mà để đạt được đã có biết bao thế hệ nối tiếp nhau chiến đấu hy sinh. Đó cũng chính là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương thể hiện lòng tri ân đối với các Anh hùng Liệt sỹ, với những thế hệ đi trước đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do, vì sự phồn vinh của một quê hương anh hùng, một dân tộc anh hùng.