Lữ đoàn 316 Đặc công – Biệt động được thành lập vào đầu năm 1974 để chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng của quân và dân ta, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những người cựu binh – chiến sĩ đặc công, biệt động năm xưa vẫn tự hào về một thời “luồn sâu, đánh hiểm”, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử.
42 năm đã trôi qua, kể từ sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, mỗi khi nhắc đến những năm tháng đấu tranh hào hùng thuở nào, những chiến sĩ lặng thầm của Lữ đoàn 316 Đặc công năm xưa vẫn luôn tự hào, vì được góp một phần công sức trong công cuộc giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc. Lữ đoàn 316 chính là lực lượng đi đầu trong các cánh quân thần tốc, phát huy sở trường của lính đặc công để “luồn sâu đánh hiểm”, đánh trước vào một số mục tiêu chủ chốt của địch, “mở mạch máu” cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Năm nay đã tròn 90 tuổi, tóc đã bạc, mắt đã mờ, giọng nói không còn sang sảng, nhưng ký ức về những năm tháng xông pha trận mạc cùng đồng đội trên chiến trường miền Nam trong giai đoạn 1974 – 1975 của ông Nguyễn Văn Tàu – Nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 vẫn còn vẹn nguyên.
Cùng với trận đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, trận đánh vào hai căn cứ pháo binh và thiết giáp của địch là thành Cổ Loa và Phù Đổng (Gò Vấp), tấn công cầu Rạch Chiếc, cũng là những trận đánh tiêu biểu, thể hiện sự gan dạ, mưu trí của các chiến sĩ đặc công biệt động Lữ đoàn 316. Những chiến công đó chính là những điểm son chói lọi, tô điểm thêm cho yếu tố thần tốc, táo bạo, bất ngờ của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày non sông liền một dải, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Lữ đoàn 316 được biên chế gọn lại thành Trung đoàn 316, làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, cho đến khi giải thể. Tuy không còn hoạt động, nhưng mỗi năm, những người cựu chiến binh – chiến sĩ đặc công, biệt động năm xưa vẫn cùng nhau ôn lại bao tháng năm oanh liệt đầy tự hào của đơn vị, để nhớ về một thời “luồn sâu, đánh hiểm”, giành nhiều chiến thắng vang dội, góp phần to lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc.