Sáng 12/4, tại Lào Cai, Văn phòng Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự có ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số bộ, ngành.
Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Trần Thanh Liêm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đặng Minh Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập, Việt Nam có diện tích núi rừng lớn, cây dược liệu có điều kiện phát triển tốt. Trong giai đọan mới, Đảng và Nhà nước đã có đường lối, chủ trương chung trong phát triển dược liệu Việt Nam, không chỉ đáp ứng tốt cho nhu cầu trong nước, góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu cao hơn 3-5 lần so với một số loại cây nông nghiệp khác. Tuy nhiên, việc nuôi trồng dược liệu trong nước chưa có quy hoạch và định hướng phát triển của từng địa phương, chưa trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Việc khai thác, chế biến còn bất cập, nhiều loại dược liệu quí có nguy cơ cạn kiệt. Do đó, cần phát huy tiềm năng và qui hoạch để phát triển dược liệu. Cùng với đó là thực hiện chính sách thu hút đầu tư phát triển ngành dược liệu, khuyến khích người dân, doanh nghiệp trồng và chế biến dược liệu, tạo đột phá, khai thác tốt tiềm năng to lớn của dược liệu.
Hội nghị đã tập trung thảo luận thực trạng và những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển dược liệu Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Bộ Y tế, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở Việt Nam rất lớn, gồm 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hệ thống bệnh viện đa khoa có khoa y học cổ truyền; 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh. Đồng thời, có 226 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được cấp phép. Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính khoảng 60.000 đến 80.000 tấn dược liệu. Đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu.