Thời sự Bình Dương

Hình thành thói quen đọc sách

Thủ tướng chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Thủ tướng chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh và  đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.      

Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2020 có 80% học sinh, sinh viên được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; 20 - 25% người dân ở khu vực nông thôn, 15 - 20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành. Về nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc, Đề án phấn đấu có 40-50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời; 85% người sử dụng thư viện có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí. Giải pháp trọng tâm mà Đề án đưa ra để thực hiện thành công các mục tiêu trên là tăng cường vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng, duy trì thói quen đọc sách phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân.

Một trong những nguyên nhân khiến văn hóa đọc đang dần bị mai một là do nhiều người mất dần thói quen đọc sách. Chính vì thế, đúng như Đề án xác định: hình thành, xây dựng thói quen đọc là yếu tố cơ bản để xây dựng lại văn hóa đọc trong thời điểm hiện nay. Muốn làm được điều này đòi hỏi một quá trình lâu dài, cộng thêm sự phối hợp đồng bộ từ các cấp ngành, và nhất là có các mô hình có sự chủ động, tương tác, kết nối tạo hứng thú cho người đọc ngày càng đến gần hơn với sách.

Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO chọn ngày 23-4 là Ngày sách và Bản quyền thế giới, còn nước ta lấy ngày 21-4 là Ngày sách Việt Nam. Đây là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Hình thành thói quen đọc sách là trách nhiệm, quyền lợi và là nét đẹp văn hóa trong giai đoạn hội nhập.

Đăng nhập

Đăng nhập tài khoản Google

×